Tăng Năng Suất Và Khả Năng Phục Hồi Của Nông Nghiệp
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững và tái sinh, thì việc tăng cường áp dụng các thực hành nông nghiệp thân thiện hơn với môi trường là yếu tố rất quan trọng. Đối với Rainforest Alliance, Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một thành phần chính yếu của ngành nông nghiệp tái sinh, và là một phần của phương pháp tiếp cận thông minh và toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu để quản lý hệ sinh thái. Chiến lược IPM của chúng tôi nhằm giúp các trang trại phát triển các kế hoạch mạnh mẽ để kiểm soát dịch hại bằng cách cân bằng các chức năng của hệ sinh thái nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ sinh thái và bằng cách đó, giảm sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật (Hình 1).
Vấn đề dịch hại và thuốc bảo vệ thực vật
Ước tính rằng hàng năm có từ 20 đến 40% sản lượng cây trồng trên toàn cầu bị mất vì dịch hại và bệnh hại. Mỗi năm, bệnh hại cây trồng gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 220 tỷ USD, và côn trùng gây hại khoảng 70 tỷ USD. Nhưng côn trùng, bệnh hại và cỏ dại hoàn toàn không được “sinh ra” vốn dĩ đã là dịch hại. Dịch hại là kết quả của hệ sinh thái không cân bằng, và tình trạng dịch hại của một loài phụ thuộc vào số lượng của chúng và vào thiệt hại kinh tế mà chúng có thể gây ra. Chúng cho thấy rằng có điều gì đó không ổn với hệ sinh thái nông nghiệp.
Dịch hại là mối đe dọa thường xuyên đối với nông dân, đó là lý do tại sao phản ứng đầu tiên của hầu hết các nhà sản xuất trên toàn thế giới là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên toàn thế giới đã tăng gấp 50 lần kể từ năm 1950, và nông dân sử dụng khoảng 3,5 tỷ kg thuốc bảo vệ thực vật trên toàn cầu mỗi năm. Trong số các loại thuốc bảo vệ thực vật này, nhiều loại được xếp vào loại “có độc tố cao” theo định nghĩa của FAO/WHO, điều đó có nghĩa là chúng gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe cho công nhân nông trại và người tiêu dùng, hoặc tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái thông qua ô nhiễm nước và đất.
Một hệ sinh thái lành mạnh có thể thúc đẩy chất lượng và tăng năng suất cây trồng thông qua kiểm soát dịch hại tự nhiên, thụ phấn và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật có thể phá vỡ sự cân bằng hệ thống thiết yếu. Ví dụ, phá hủy các quần thể thiên địch có thể khiến các loài sinh vật gây hại bùng phát trở lại, làm tăng sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật hơn nữa. Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến cho các quần thể thụ phấn bị suy giảm, tác động tiêu cực đến năng suất.
Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được biết đến là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là khi sử dụng mà không có thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và các biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp. Cuối cùng, chi phí tăng cao của nhiều loại hóa chất nông nghiệp tạo thêm áp lực kinh tế cho những nông dân đang phải vật lộn để duy trì thu nhập đủ sống. Chúng ta có thể làm gì để giảm sự phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và tác động tiêu cực của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật? Một câu trả lời mang tính thiết thực và hiệu quả kinh tế chính là Quản lý Dich hại Tổng hợp (IPM).
Phương pháp tiếp cận của chúng tôi
Phương pháp tiếp cận của chúng tôi xoay quanh các nguyên tắc IPM và dựa trên các biện pháp can thiệp do người nông dân thúc đẩy và tuỳ theo bối cảnh thực tế. Phương pháp này tập trung vào việc khai thác các thế mạnh vốn có trong hệ sinh thái nông nghiệp để làm giảm quần thể dịch hại xuống các ngưỡng có thể chấp nhận được, thay vì cố gắng tiêu diệt chúng. Chúng tôi chọn các phương pháp kiểm soát có tính đến các chi phí và lợi ích mang lại, đồng thời thúc đẩy tính bền vững về mặt xã hội và sinh thái. Phù hợp với tất cả các sáng kiến của Rainforest Alliance, bao gồm cả Chương trình Chứng nhận năm 2020, các ưu tiên hàng đầu trong phương pháp tiếp cận IPM của chúng tôi là bảo tồn lâu dài hệ sinh thái và các chức năng của hệ sinh thái, cũng như sức khỏe con người.
Để hỗ trợ phương pháp tiếp cận IPM này, chúng tôi đã xây dựng Chiến Lược IPM, trong đó chúng tôi nhắm đến mục đích xác định các rào cản đối với việc áp dụng IPM và giúp nhà sản xuất vượt qua những rào cản này. Chiến lược của chúng tôi bao gồm bốn thành phần: tạo ra ngân hàng kiến thức về IPM để hỗ trợ nông dân trong hành trình hướng tới nền nông nghiệp tái sinh hơn và kiểm soát dịch hại; trình bày các giải pháp IPM phù hợp với các ngành hàng và địa điểm cụ thể; nâng cao năng lực và hiểu biết về IPM thông qua mô hình Lớp học thực tế trên đồng ruộng (Farmer Field School – FFS), nhằm thúc đẩy hoạt động thử nghiệm, thể hiện và trao đổi kinh nghiệm giữa những người nông dân với nhau; và trong vai trò vận động chính sách, vận động hành lang và ủng hộ trách nhiệm chung trong IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Để biết thêm về luận điểm của chúng tôi liên quan đến IPM, hãy xem Báo cáo tham luận về Quản Lý Dịch Hại Tổng Hợp.
Phương pháp tiếp cận sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khuôn khổ Chương trình Chứng nhận 2020
Chúng tôi đã soạn thảo IPM và phương pháp tiếp cận sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bao gồm ba yếu tố chính:
- Các yêu cầu về tiêu chuẩn (mục 4.5 và 4.6)
- Phụ lục Chương 4: Canh Tác
- Chính Sách Sử Dụng Ngoại Lệ
Mục tiêu tổng thể
Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng an toàn, có trách nhiệm và hiệu quả các hóa chất nông nghiệp thông qua việc tăng cường áp dụng IPM.
Tiêu Chuẩn & Phụ Lục Chương 4: Canh Tác
Phương pháp tiếp cận được dựa trên việc áp dụng các thực hành IPM, trong đó thuốc bảo vệ thực vật chỉ được sử dụng khi không còn cách nào khác và thể hiện được xu hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải thực hiện tất cả các biện pháp quản lý an toàn đối với thuốc bảo vệ thực vật và các yêu cầu về sức khỏe nghề nghiệp. Chỉ những sản phẩm đã đăng ký mới được sử dụng; các thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc quá hạn không được phép sử dụng. Nếu sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh sách giảm thiểu rủi ro, phải thực hiện thêm các biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp.
Chính Sách Sử Dụng Ngoại Lệ
Bất chấp những nỗ lực rộng rãi nhằm giảm sử dụng các chất độc hại trong nông nghiệp, một số mô hình nông nghiệp thâm canh vẫn phụ thuộc vào các Thuốc bảo vệ thực vật nguy hại cao (HHP). Để hỗ trợ các nhà sản xuất trong hành trình loại bỏ dần HHP, chúng tôi đã xây dựng Chính Sách Sử Dụng Ngoại lệ (EUP). Cùng với các yêu cầu về Tiêu chuẩn Nông nghiệp Bền vững năm 2020 của Rainforest Alliance, chính sách này cho phép các trường hợp ngoại lệ hạn chế đối với các tổ hợp cây trồng, dịch hại và quốc gia cụ thể khi mà không có lựa chọn thay thế khả thi nào cho HHP. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ sẽ được xem xét nếu không có sẵn các giải pháp thay thế hiệu quả, dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí, hoặc nếu cấm dùng chất đó sẽ gây rủi ro cho tính bền vững kinh tế của hoạt động nông nghiệp. Khi các trường hợp ngoại lệ được chấp thuận, chúng tôi yêu cầu các nhà sản xuất thực hiện các biện pháp để giảm thiểu và bù đắp cho những tác động tiêu cực mà các loại thuốc bảo vệ thực vật này gây ra đối với con người và môi trường, đồng thời tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế ít độc hại hơn. Thông tin chi tiết và điều kiện của các trường hợp ngoại lệ này được nêu trong Chính Sách Sử Dụng Ngoại Lệ (EUP).
EUP này được xây dựng dựa trên yêu cầu của nhà sản xuất và sự hiểu biết sâu sắc về điều kiện của địa phương, kết hợp với phương pháp tiếp cận giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật nêu trong Chiến lược IPM của chúng tôi. Quá trình xây dựng EUP bao gồm phân tích kỹ thuật sâu rộng, kỹ lưỡng và tuỳ theo bối cảnh thực tế nhu cầu của nông dân về áp lực dịch hại và các giải pháp thay thế sẵn có. Phân tích này được thực hiện bởi nhóm IPM của Rainforest Alliance và một hội đồng các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật bên ngoài có kiến thức sâu rộng về sản xuất bền vững và chuyên môn toàn cầu trong các ngành nông nghiệp chủ chốt của Rainforest Alliance. Chúng tôi cũng lấy từ các công cụ bên ngoài như Homologa®, cơ sở dữ liệu Bảo vệ Cây trồng Toàn cầu, để đánh giá các chi tiết theo từng quốc gia về thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký và Giới hạn Dư lượng Tối đa, và Cổng Thông tin về Bảo vệ Sinh học CABI, để xác định các biện pháp thay thế về kiểm soát sinh học sẵn có tại địa phương.
Nhà sản xuất có thể gửi yêu cầu bất cứ lúc nào, theo quy trình được thiết lập trong Phụ lục Chương 4: Canh tác. Dựa trên các yêu cầu nhận được, chúng tôi sẽ cập nhật EUP này sáu (6) tháng một lần, theo các mốc thời gian sau đây:
Vì mục đích minh bạch, các liên kết bên dưới chứa các yêu cầu mà chúng tôi đã nhận được đối với từng phiên bản EUP, cũng như các quyết định cuối cùng và biện giải của chúng tôi.
- Kỳ II năm 2020 (EUP V 1) – Các yêu cầu & và quyết định cuối cùng.
- Kỳ I năm 2021 (EUP V 1.1) – Các yêu cầu & và quyết định cuối cùng.
- Kỳ II năm 2021 (EUP V 1.2) – Các yêu cầu & và quyết định cuối cùng.
- Kỳ I năm 2022 (EUP V 1.3) – Các yêu cầu & và quyết định cuối cùng.
Các liên kết hữu ích về IPM và thuốc bảo vệ thực vật
- Cổng Bảo vệ Sinh học CABI, công cụ miễn phí để khám phá các sản phẩm kiểm soát sinh học và bảo vệ thực vật sinh học tự nhiên, đã được đăng ký trên toàn thế giới: Các sản phẩm kiểm soát sinh học và bảo vệ thực vật sinh học – Cổng Bảo vệ Sinh học
- Nông nghiệp Tái sinh là gì?
- Báo cáo tham luận về quản lý dịch hại tổng hợp và các giải pháp canh tác tự nhiên
- Hướng dẫn H: Quản lý Dịch hại Tổng hợp
- Guía de Manejo Integral de Hierbas en Cafetales
- Guía Ilustrativa del Manejo Integral de Hierbas en Cafetales
- Sử dụng Triazol để kiểm soát bệnh gỉ sắt trên lá cà phê (Hemileia Vastatrix)
- Hướng dẫn: Xử lý lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã dùng hết thuốc ở Việt Nam